Độ Bao Phủ Màu sRGB Là Gì? sRGB Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Màn Hình Dành Cho Designer

Một chiếc màn hình cho designer thường sẽ mang nhiều thông số đặc biệt mà bạn cần phải quan tâm khi tìm hiểu. Ngoài những chi tiết về kích thước, độ chuẩn màu hay độ phân giải thì sRGB là một trong những yếu tố quan trọng trong một chiếc màn hình sử dụng cho công việc đồ hoạ. Vậy sRGB là gì? Nó có ảnh hưởng gì đến màn hình dành cho các nhà thiết kế? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

sRGB là gì?

Độ bao phủ màu hay dải màu (color gamut) hiểu nôm na là khả năng tái tạo màu sắc của thiết bị trong nhiếp ảnh và đồ hoạ kỹ thuật số. Những hệ quy chiếu cơ bản cho những dải màu tiêu chuẩn bao gồm sRGB, Adobe RGB hay DCI-P3. Những đơn vị này được sử dụng để thể hiện màu sắc cho những thiết bị sử dụng trong phim ảnh chuyên nghiệp, thiết bị in ấn chất lượng cao. 

Một người sử dụng máy tính phổ thông thường chỉ cần quan tâm đến độ lớn màn hình hoặc độ phân giải tối đa mà nó mang lại chứ không để ý đến những khái niệm phức tạp trên. Về cơ bản thì độ bao phủ màu càng lớn thì chiếc màn hình có khả năng hiển thị màu trong “không gian màu” được rộng hơn. Một chiếc màn hình làm đồ hoạ tốt và cung cấp đầy đủ không gian màu khi làm việc thường sẽ cần có một độ bao phủ màu lớn.

sRGB là tiêu chuẩn màu được Microsoft và HP đưa ra vào năm 1996, áp dụng cho màn hình và kỹ thuật in ấn. Nếu một người chơi game, xem phim giải trí cơ bản và không quá nhiều yêu cầu về chiếc màn hình thì độ bao phủ màu rơi vào khoảng 95 đến 100% sRGB là đã “cầu vừa đủ xài” rồi. Tuy nhiên với một chiếc màn hình cho designer thì tiêu chuẩn cho những chỉ số sRGB, Adobe RGB hay DCI-P3 thường sẽ cao hơn.

Vì sao sRGB lại quan trọng với designer ?

So với những chuẩn màu khác, sRGB có độ phủ màu nhỏ, khả năng tái tạo màu ở mức cơ bản trong không gian màu. Tuy nhiên, sRGB vẫn đáp ứng đủ nhu cầu hiển thị khi chơi game, xem phim, giải trí thông thường.

Đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, nhiếp ảnh thì laptop màn hình 100% sRGB sẽ mang đến sự chính xác cao trong quá trình xử lý màu của sản phẩm, gửi sản phẩm cho khách hàng, đối tác xem trước khi duyệt cũng dễ dàng, hiệu quả, an tâm hơn.

Không những xuất hiện chỉ ở laptop mà một số dòng màn hình máy tính dành riêng cho dân đồ hoạ cũng được trang bị chuẩn màu này cùng rất nhiều công nghệ màn hình hiện đại khác, hỗ trợ tốt công việc của bạn.

Chuẩn màu sRGB cung cấp khoảng 16.7 triệu màu trên màn hình giúp hiển thị một cách chân thực và chính xác các đặc điểm của hình ảnh trên màn hình, hạn chế tối đa sự khác biệt giữa hình ảnh hiển thị với thực tế.

Khi các laptop hay màn hình máy tính đạt 100% sRGB được sử dụng rộng rãi thì việc chia sẻ hình ảnh, sản phẩm đồ hoạ từ laptop này qua laptop khác sẽ không bị thay đổi màu sắc quá nhiều, mang đến trải nghiệm và hiệu quả công việc cao hơn.

Trên thực tế, không gian màu sRGB dựa trên mô hình màu của RGB (đỏ, lục, lam), khi ba màu này kết hợp với nhau có thể pha trộn và tạo ra các màu khác. sRGB bao gồm một lượng thông tin màu cụ thể, thông tin này sẽ được sử dụng để tối ưu hóa và hợp lý hóa màu sắc giữa các thiết bị và nền tảng kỹ thuật, chẳng hạn như màn hình máy tính, máy in và trình duyệt web.

Khi một thiết bị điện tử được cam kết rằng bao phủ một tỷ lệ nhất định của hệ màu sRGB nghĩa là bạn có thể nhận biết bao nhiêu không gian màu sRGB mà màn hình có thể tái tạo. Mặt khác, ngoài sRGB còn có các hệ màu phổ biến khác như Adobe RGB và DCI-P3, cả hai đều có không gian màu rộng hơn và nhiều màu hơn sRGB.

Phân biệt sRGB truyền thống và Adobe RGB

Trong nhiếp ảnh kỹ thuật số có hai loại không gian màu chính là sRGB và Adobe RGB. Người dùng có thể chuyển đổi linh hoạt giữa hai tiêu chuẩn này để phù hợp với mục đích sử dụng riêng. Vậy sRGB và Adobe RGB khác nhau ở điểm nào?

Adobe RGB mang nhiều dải màu hơn so với sRGB khoảng 35%. Vì vậy việc sử dụng hệ màu Adobe RGB sẽ mang tới hình ảnh có chất lượng sắc nét, trung thực với dải tương phản về màu sắc cao hơn, hay ảnh chụp trong không gian màu Adobe RGB sẽ cho màu sắc sống động hơn, trong khi sRGB truyền thống sẽ có tông màu dịu nhẹ hơn, tinh tế hơn.

Tuy nhiên, bởi hệ màu sRGB ra đời đầu tiên nên hầu hết mọi thứ xung quanh nó đều được thiết kế để phù hợp với sRGB. Từ internet, trò chơi điện tử cho đến các ứng dụng, thiết bị cá nhân đều lấy không gian màu sRGB làm chuẩn. Và hầu hết các màn hình máy tính truyền thống đều chỉ hiển thị khoảng 90-99% không gian màu sRGB và khoảng 76% không gian màu Adobe RGB.

Vì vậy, để có thể xem được hình ảnh tiêu chuẩn Adobe RGB cần có màn hình hỗ trợ phù hợp, và với những màn hình xem được hệ màu Adobe RGB này, chúng sẽ có giá thành đắt đỏ hơn. Cũng vì thế mà hầu hết chỉ có những người làm ảnh, làm video chuyên nghiệp hay gaming cần hình ảnh hiển thị với chất lượng cao mới sử dụng đến hệ màu Adobe RGB.

Nên chọn sRGB hay Adobe RGB?

Khi so sánh giữa hai hệ màu sRGB và Adobe RGB, có thể thấy rõ Adobe RGB cho hình ảnh hiển thị với màu sắc đậm hơn, rõ nét hơn, sống động hơn. Ngược lại, khi sử dụng hệ màu sRGB sẽ cho hình ảnh hiển thị với màu sắc nhạt hơn, nông hơn. Bởi vậy, dù có giá thành đắt hơn nhưng Adobe RGB vẫn được nhiều người lựa chọn bởi chất lượng thành phẩm mà nó mang lại. 

Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào cũng sử dụng đến hệ màu Adobe RGB bởi có nhiều thiết bị vẫn chưa hỗ trợ xem được định dạng này cũng như mức giá thành đắt đỏ của nó. Để tối ưu nhất về chi phí, đối với ảnh trên facebook, hoặc các trang mạng xã hội khác bạn nên lựa chọn hệ màu sRGB sẽ tiết kiệm hơn. Còn nếu hình ảnh được sử dụng để in ấn, làm quảng cáo thì chúng ta nên sử dụng hệ màu Adobe RGB để cho chất lượng thành phẩm thu được cao nhất.

Trên đây là bài viết về độ phủ màu sRGB. Theo dõi Trang tin công nghệ để cập nhật thêm nhiều tin tức và kiến thức công nghệ hữu ích nhé!